THIẾT LẬP BỨC TRANH TỔNG THỂ TÀI NGUYÊN NƯỚC
Bộ TN&MT đang hoàn thiện Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Một trong các mục tiêu của Đề án là nâng chỉ số an ninh nguồn nước ở Việt Nam lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh nguồn nước ở KV.
Phục vụ hiệu quả cho phát triển bền vững
Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, việc đánh giá an ninh nguồn nước quốc gia ở Việt Nam được thực hiện ở mức độ hạn chế. Năm 2019, trong Báo cáo “Việt Nam hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn”, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chỉ ra các mối đe dọa về nước đối với Việt Nam sẽ tác động tổng thể lên GDP với ước tính giảm 5,96% hàng năm nếu không kịp thời có giải pháp.
Năm 2020, Báo cáo giám sát an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập của Ủy ban Khoa học của Quốc hội cũng đã chỉ ra một số thách thức ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước tại Việt Nam như: chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng nguồn nước; chưa đảm bảo về cấp nước, an toàn hồ chứa, phụ thuộc nguồn nước ở nước ngoài, ô nhiễm, xâm nhập mặn... Chính vì vậy, xây dựng Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia là một nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm mô tả bức tranh tổng thể về tài nguyên nước Việt Nam.
Một góc sông Hồng (đoạn qua TP. Hà Nội)
Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng nội dung Đề án dựa trên nền tảng cơ sở là Báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Báo cáo đánh giá quản trị nước của Ngân hàng Thế giới và những nội dung tài nguyên nước được Cục tổng hợp, rà soát trong thời gian qua.
Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030 là giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc, tối ưu hóa lợi ích do nguồn nước mang lại từ các nguồn nước liên quốc gia; chủ động điều tiết nước, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; khắc phục có hiệu quả, bền vững tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo…
Ngoài ra, cần nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân và các ngành sử dụng nước; kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, an toàn, công bằng, hợp lý, gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung - Phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ: Chủ động kiểm soát nguồn nước Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng với các tác động trên phía thượng nguồn đã làm cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khan hiếm nguồn nước. Đứng trước thực trạng này, tôi cho rằng vùng ĐBSCL cần có chiến lược tích trữ nguồn nước phục vụ sản xuất kết hợp nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái; tăng cường tích trữ nước mưa để sử dụng, ưu tiên dùng cho sinh hoạt. Đồng thời, xem nước ngọt, nước mặn, nước lợ là tài nguyên và đa dạng hóa việc sử dụng các nguồn nước. Một số vùng thường xuyên bị mặn xâm nhập có thể duy trì một vụ lúa vào mùa mưa, còn mùa khô chuyển qua canh tác thủy sản nước lợ hay mặn; chuyển đổi và áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước trong sản xuất. PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung Đối với các nhà máy cấp nước sinh hoạt thì xem xét thời gian nào trong năm sử dụng nguồn nước sông, thời gian nào sử dụng nước trong các khu trữ và thời gian nào bắt buộc phải dùng nước ngầm; khuyến khích người dân trữ nước sông để tưới tiêu và nước mưa để phục vụ sinh hoạt, hạn chế khai thác nước ngầm. Về lâu dài, cần có một quy hoạch nguồn nước cho vùng ĐBSCL; việc xây dựng mạng lưới cấp nguồn nước ngọt từ thượng nguồn xuống các tỉnh ven biển cũng là một giải pháp, tuy nhiên cần phải tính kỹ về giá thành cũng như các rủi ro trong quá trình vận hành hệ thống. Thời gian tới, vùng ĐBSCL cần có cách tiếp cận mới; trong đó, các địa phương vùng ĐBSCL cũng cần phải tận dụng tối đa nguồn nước mặt rất dồi dào trong khoảng thời gian giữa mùa mưa và mùa khô ở các vùng giao thoa mặn, ngọt. Đây là hướng đi cần thiết để các địa phương có thể giải quyết được vấn đề về nguồn nước của vùng ĐBSCL. Ông Huỳnh Minh Sở - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Gia Lai: Áp dụng giải pháp tiết kiệm nước Hiện nay, nguồn tài nguyên nước tại khu vực Tây Nguyên đang bị suy giảm, một phần là do khai thác vượt quá trữ lượng cho phép, cùng sự phát triển ồ ạt của các công trình thủy điện. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho lượng mưa phân bố không đều, gây ra sự chênh lệch lớn về nguồn nước giữa mùa khô và mùa mưa. Ông Huỳnh Minh Sở Trước thực trạng về tài nguyên nước ở Tây Nguyên, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là phải có biện pháp để lưu trữ, cân đối nguồn nước giữa mùa khô và mùa mưa, tìm giải pháp công nghệ tiết kiệm nước. Đơn cử như việc áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt trong lĩnh vực nông nghiệp để tiết kiệm nước; chọn những giống cây trồng ít tiêu hao nước mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế. Các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đã xây dựng hồ chứa thủy lợi, đắp đập tích nước mùa mưa để bổ sung nước cho mùa khô. Rừng đầu nguồn là thảm thực vật tạo ra nguồn sinh thủy cho các hồ, đập chứa nước, đảm bảo các công trình này đạt được mực nước an toàn. Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo nguồn nước cho các hồ, đập là phải giữ gìn, phát triển và quản lý chặt chẽ diện tích rừng đầu nguồn. Bên cạnh đó, xác định dòng chảy tối thiểu trên các sông suối làm căn cứ để ngành chức năng cấp phép khai thác nguồn nước mặt, duy trì dòng chảy trên các sông suối, hồ đập. Hay một giải pháp nữa, đó là nghiên cứu bổ cập nguồn nước dưới đất bằng phương pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất cho các tầng chứa nước. Ông Hồ Đắc Chương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định: Cần có tư duy, tầm nhìn, hành động mới Bình Định hiện có 3 lưu vực sông chính gồm các lưu vực sông Hà Thanh, sông Côn, sông La Tinh và sông Kim Sơn - An Lão, với 63 hồ chứa dung tích từ 50.000 m3 trở lên; trong đó, có 160 hồ dung tích cung cấp nước cho dân sinh và sản xuất, 3 hồ cấp nước cho nuôi trồng thủy sản. Tổng dung tích 592 triệu m3. Ông Hồ Đắc Chương Hiện việc tích trữ nước phục vụ sản xuất, ứng phó với hạn hán ở hệ thống công trình thủy lợi mới đáp ứng được 100% diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân. Vụ Hè Thu có một số vùng cục bộ chưa đáp ứng được cần phải có nguồn nước từ lưu vực khác chuyển vào. Bên cạnh đó, cần xây dựng hồ chứa trên lưu vực Hà Thanh và hệ thống đập dâng giữ nước trên sông Hà Thanh để từng bước cải thiện tình trạng thiếu nước.
Vào mùa mưa, nước sông rất đục, chứng tỏ rừng trong lưu vực chưa đảm nhận được nhiệm vụ chống xói mòn đất, khiến lòng hồ các hồ chứa bị bồi lắng rất nhanh; nguồn sinh thủy vào mùa khô ngày càng giảm và giảm sâu trong những năm gần đây; trượt lở núi xảy ra nghiêm trọng trong lòng hồ. Đặc biệt mùa khô, nước trên sông và trong kênh tưới, tiêu chứa nhiều rác làm cản trở dòng chảy và ô nhiễm môi trường... Vì vậy, thời gian tới, cần phải có các giải pháp mạnh hơn, khả thi hơn mang tính tư duy, tầm nhìn để cải thiện đồng bộ chất lượng và an ninh nguồn nước. Nhóm PV Báo TN&MT (ghi) |
Đồng thời, cần cải thiện việc cung cấp dịch vụ cấp nước đô thị, nông thôn, nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt khoảng 95 - 100%, nông thôn đạt khoảng 93 - 95%; đảm bảo an ninh lương thực thông qua việc vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu…
Coi nước là sản phẩm hàng hóa
Một quan điểm hiện đại được đưa vào Dự thảo Đề án là “Phải coi sản phẩm nước là hàng hoá, đồng thời tiếp tục khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển nguồn nước, giảm thiểu tác hại do nước gây ra và nâng cao giá trị của nước”.
Bởi nguồn nước ở Việt Nam có nguồn gốc từ bên ngoài lãnh thổ nên việc hợp tác, chia sẻ lợi ích, bảo đảm công bằng và hợp lý trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển nguồn nước liên quốc gia phải thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia nhằm đạt được việc sử dụng tối ưu và bền vững lợi ích do nguồn nước mang lại.
Đề án xác định các đối tượng liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra; sản xuất, tiêu thụ nước sạch và phạm vi gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất (bao gồm cả nguồn nước liên quốc gia) thuộc phạm vi lãnh thổ.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 25 năm tới, trong bối cảnh dân số ngày càng gia tăng, trong đó 2/3 dân số của Việt Nam sinh sống tại 3 lưu vực sông lớn: Hồng - Thái Bình, Cửu Long và Đồng Nai, dự kiến nhu cầu khai thác sử dụng nước của người dân ở các khu đô thị sẽ tăng gấp đôi, tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, căng thẳng nước sẽ xảy ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Đồng Nai). |
Dự thảo Đề án đưa ra nhiều giải pháp như hoàn thiện thể chế, chính sách; Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn nước; Hợp tác, quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ nguồn nước liên quốc gia; Tăng cường đầu tư cho cấp nước sinh hoạt (cho đô thị và nông thôn); Tăng cường đầu tư, phát triển hệ thống cấp nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, giao thông và các ngành sử dụng nước khác; Đầu tư, nâng cao hiệu quả xử lý nước thải và thoát nước đô thị; Đầu tư nhằm chủ động ứng phó tác động biến đổi khí hậu, tác động từ nước ngoài đối với nguồn nước liên quốc gia và các mối nguy hiểm khác liên quan đến nước; đảm bảo an ninh tài nguyên nước cho môi trường; Xây dựng, vận hành hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá an ninh nguồn nước quốc gia; Huy động nguồn lực các hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học công nghệ; thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng cùng với đổi mới cơ chế tài chính./.
Theo Xuân Hợp/Báo TN&MT