Trường Đại Học Xây Dựng Hà Nội
vi en

Tốt Nghiệp Ngành Nước, Không Bao Giờ Hết Việc

Đăng bởi: Vnwater -
Chủ nhật, 22/05/2022 17:19 (GMT +7)

Nhân dịp bắt đầu năm học mới 2021-2022, phóng viên Tạp chí Cấp Thoát nước đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Việt Anh, Giảng viên cao cấp; Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước; Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường thuộc Đại Học Xây Dựng Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam về vấn đề đào tạo đối với Ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước.

Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, Ngành Kỹ thuật cấp thoát nước là đào tạo những gì và sau khi ra trường có thể làm những việc nào?

Giáo sư (GS): Nước là vật chất đặc biệt, tuyệt vời nhất trên Trái Đất. Nước là nguồn gốc của sự sống, là cái nôi của các nền văn minh nhân loại. Hành tinh nào có nước, ở hành tinh đó sự sống sẽ sinh sôi.
Kỹ sư Nước là những chuyên gia, làm chủ được những công nghệ, thiết bị, công trình sản xuất ra nước sạch, biến nước bẩn thành nước sạch, nước dùng cho sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, giao thông, bảo vệ đời sống của thủy sinh vật và muôn loài.
Những chuyên gia đó có thể làm việc được ở các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) trong lĩnh vực quản lý hạ tầng và môi trường ở các khu đô thị, khu công nghiệp, làm việc ở các công ty cấp thoát nước và môi trường đô thị, các công ty tư vấn thiết kế, các doanh nghiệp thi công lắp đặt các hệ thống, công trình hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Hiện có rất nhiều kỹ sư Nước ra trường đã và đang đảm nhận các vị trí quan trọng ở nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, như nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐQT và TGĐ Công ty, nhiều chuyên gia giỏi...


PV: Nhu cầu nhân lực ngành này hiện nay như thế nào?

GS: Vì nước rất cần thiết cho cuộc sống, nên ngành Nước không bao giờ hết việc. Ngược lại, trong bối cảnh nước ngày càng bị khan hiếm, ô nhiễm, cạn kiệt, khi xã hội càng phát triển, mức sống, mức độ văn minh, các yêu cầu tiện nghi con người ngày càng cao, thì ngành Nước lại càng cần thiết.
Trước kia, người ta chỉ mong có đủ nước cấp cho sinh hoạt, thì bây giờ, người ta nghĩ đến nước cấp có chất lượng cao, nước uống trực tiếp được tại vòi mà không cần phải đun sôi. Hiện nay, người ta đã phát triển được nhiều công nghệ mới để làm chủ được dòng nước, như biến nước biển thành nước ngọt, chế ra nước uống từ hơi nước trong không khí, sản xuất ra điện hay nhiệt năng từ dòng nước chảy hay từ nước thải, vận hành hệ thống nước từ xa bằng công nghệ thông minh, 4.0, … Có rất nhiều cơ hội khởi nghiệp với ngành Nước.
Từ nay đến năm 2030, ước tính cần khoảng 15.000 kỹ sư Nước, chưa kể các chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ và quản lý môi trường, kỹ thuật hạ tầng, và các ngành liên quan khác. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện có gần 10 trường đại học có đào tạo ngành Nước, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm khoảng 300 đến 500 sinh viên, nghĩa là còn ít hơn nhiều so với nhu cầu. Năm 2021, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội dự kiến tuyển 100-150 sinh viên ngành Kỹ thuật Cấp Thoát nước, chuyên ngành Kỹ thuật nước – Môi trường nước.


SV ngành Nước Trường ĐHXD giao lưu và nhận học bổng của Hội CTNVN cùng 1 số doanh nghiệp

PV: Thưa Giáo sư, đâu là những tố chất cần thiết đối với một sinh viên khi theo học ngành Kỹ thuật Cấp Thoát nước?

GS: Không giống một số ngành nghề có yêu cầu đặc thù, cần năng khiếu đối với các môn khoa học tự nhiên, hay khoa học xã hội, hay năng khiếu về ngôn ngữ, nghệ thuật, hội họa, …, ngành Kỹ thuật Cấp Thoát nước không có yêu cầu gì đặc biệt.
Học ngành Nước, một ngành kỹ thuật, phải khách quan mà nói, cũng không nặng lắm, so với các ngành kỹ thuật khác.
Nhưng học ngành Nước, một ngành gắn liền với đời sống xã hội, thì cần có sự linh hoạt, thích nghi. Chúng ta đã biết, ông cha ta đã nói, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Điều này càng đúng với nước. Nước rất uyển chuyển, linh hoạt, khi thì mềm mại, khi thì ào áo như thác đổ, như lũ cuốn, khi thì đục ngầu, khi thì trong veo… Đây cũng chính là kỹ năng mềm, khả năng thích nghi, sinh viên cần có để đáp ứng được yêu cầu thực tế. Và những kỹ năng này của các em lại được chúng tôi đào tạo trong trường. Trong môi trường học tập đại học, qua học, thi, làm đồ án, thực hành, thực tập, sinh hoạt tập thể, các em sẽ được rèn các tố chất nhanh nhẹn, tháo vát, ý thức cầu tiến, làm việc nhóm, khả năng học tập chủ động, cập nhật được các thông tin mới, công nghệ mới.
Quan trọng nhất, giống như bất cứ ngành nghề nào khác, để hoàn thành chương trình học, và sau khi tốt nghiệp, để trưởng thành bằng nghề, người học cần tự tin với lựa chọn của mình, khi đó sinh viên sẽ có động lực học tập và làm việc tốt.


PV: Những điểm mạnh trong đào tạo ngành KT CNT của Trường ĐHXD là gì?

GS: Nói về những điểm mạnh của ngành Kỹ thuật Cấp Thoát nước của Trường ĐHXD, ta có thể nói về nhiều điều. Tôi chỉ xin nêu một vài điểm mạnh chính:
Thứ nhất, ngành KT CTN Trường ĐHXD đã có bề dày gần 60 năm đào tạo, là cái nôi của ngành Nước của Việt Nam, là cơ sở đào tạo ngành Nước mạnh nhất ở Việt Nam.  Đội ngũ giảng viên mạnh, giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, luôn yêu thương chăm lo cho SV.
Thứ hai, chương trình đào tạo bài bản, tiên tiến, luôn được cập nhật, đổi mới, sát với thực tế. Hiện chuyên ngành Nước ở Trường ĐHXD đang được xây dựng theo tiếp cận hiện đại, hội nhập với chuẩn quốc tế CDIO và ABET, có nội dung chương trình được thiết kế để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động.

Thứ ba, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại, nhiều dự án nghiên cứu mà SV có thể tham gia.

Thứ tư, từ năm 2021, thí sinh vào trường, như bước lên một con tàu, tích lũy dần các gói kiến thức, kỹ năng nghề và kỹ năng sống, bỏ dần vào cái ba-lô hành trang của mình. Sau 3,5-4 năm, các em tốt nghiệp đại học, có thể xách ba-lô xuống sân ga Cử nhân, rồi ra ngoài đi làm. Các em cũng có thể đi tàu tiếp đến ga tiếp theo, là bậc Thạc sĩ, hoặc Kỹ sư mới, tốt nghiệp sau 1,5-2 năm. Ở ga Cử nhân, các em cũng có thể chuyển tàu, đến một ga mới, chuyển đổi để học một chuyên ngành khác, tùy theo lựa chọn của mình.
Điểm mạnh thứ năm của ngành Nước Trường ĐHXD, là trang bị được cho sinh viên đủ tất cả các kiến thức và kỹ năng cơ bản để làm được việc. Nghĩa là, cái ba-lô hành trang các em mang theo đi làm, khi xuống ga Cử nhân hay ga Kỹ sư, Thạc sĩ, đều cho phép các em khả năng thiết kế trọn vẹn được 1 hệ thống công trình, từ phân tích lựa chọn phương án, tính toán cụ thể, triển khai bản vẽ, đến lập dự toán, phân tích dự án... Các gói kiến thức và kỹ năng trong cái ba-lô đó cũng cho phép các em “chiến đấu” được không chỉ ở lĩnh vực chuyên ngành Nước, mà còn khẳng định được ở các mảng công việc liên quan đến kỹ thuật môi trường, quản lý hạ tầng đô thị, công nghiệp, hệ thống kỹ thuật trong công trình, hay kinh doanh, khởi nghiệp…

Thứ sáu, các em sinh viên có CLB Kỹ sư Nước, hoạt động rất đều, rất sôi nổi và hấp dẫn. Các em SV có cơ hội tham gia Mạng lưới chuyên gia trẻ ngành Nước Việt Nam – Úc, tham gia các nhóm NCKH SV, làm trong các dự án hợp tác quốc tế của các thầy cô, tham gia nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, các hoạt động xã hội… Nhiều bạn sinh viên ngành Nước rất năng động, tài giỏi, xinh đẹp.

Nữ sinh ngành Nước Trường ĐHXD Hà Nội

Thứ bảy, ngành Nước có lớp KTN-MTN chất lượng cao, học bằng tiếng Việt + tiếng Anh, với chỉ tiêu tuyển sinh 50SV/năm. Mỗi năm đều có suất học bổng đi thực tập ngắn hạn ở Nhật, Singapore, Châu Âu,…
Thứ tám, ngành Nước có Mạng lưới NCKH, hợp tác trong nước và quốc tế rất mạnh, rộng khắp. Ngành Nước ĐHXD có sự hợp tác chặt chẽ của gần 50 doanh nghiệp lớn, và được Hội Cấp Thoát nước Việt Nam bảo trợ. Ngành Nước ĐHXD rất có uy tín với các tổ chức quốc tế, có hợp tác với nhiều trường ở nước ngoài, chương trình đào tạo có sự liên thông, nên sinh viên tốt nghiệp rất hay được các thầy cô giới thiệu các suất học bổng đi học cao học ở nước ngoài.
Thứ chín, điều làm cho ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước Trường ĐHXD thực sự khác biệt, và cũng là niềm tự hào của chúng tôi, chính là mạng lưới cựu sinh viên ngành Nước, hiện đang công tác ở khắp mọi miền đất nước, nhiều người đảm nhận nhiều vị trí quản lý quan trọng, nhiều chuyên gia giỏi, hầu hết đều làm đúng nghề được đào tạo.
Các cựu sinh viên và doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với Trường, tham gia góp ý về chương trình đào tạo, đến thuyết trình cho sinh viên, tiếp nhận và hướng dẫn sinh viên thực tập, tập hành nghề tại công ty của mình, tuyển dụng sinh viên ngay từ khi họ còn đang học hay khi vừa bảo vệ đồ án tốt nghiệp xong. Mỗi năm, Quỹ học bổng có giá trị 200-300 triệu đồng của Hội CTNVN, các doanh nghiệp ngành Nước, các cựu sinh viên được trao cho sinh viên giỏi, sinh viên nghèo, sinh viên hoạt động phong trào tốt, và hỗ trợ các hoạt động của sinh viên.

Cuối cùng, có thể nói: Đến với ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước, chuyên ngành KT Nước - MTN của Trường ĐHXD chính là đến với một gia đình, nơi mà các thầy cô và các anh chị đi trước luôn chào đón, hỗ trợ và đồng hành cùng các em, từ khi học tới khi tốt nghiệp, tìm kiếm việc làm, học bổng đi du học, trao cho các em cơ hội phát triển và khởi nghiệp sau này. SV ngành Nước càng học càng thấy yêu nghề.
Và tôi tin rằng các em sẽ yên tâm cho tương lai, và sẽ không hối hận khi lựa chọn ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước, chuyên ngành Kỹ thuật nước – Môi trường nước Trường ĐHXD!
Welcome to the HUCE Water Engineering Family!

PV: Xin chân thành cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này.

Thực hiện: Sơn Thuỷ
Ảnh: Đại học Xây dựng