Chọn học ngành Kỹ thuật cấp thoát nước, nữ giới có gặp khó khăn?
Theo GDVN - Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật cấp thoát nước khá đa dạng, liên quan trực tiếp đến phát triển hạ tầng cơ sở cho đô thị và nông thôn.
Học ngành Kỹ thuật cấp thoát nước, người học có thể thiết kế, giám sát, thẩm định, tổ chức thi công, quản lý dự án, khai thác, vận hành, bảo trì bảo dưỡng các công trình cấp thoát nước đô thị và nông thôn. Đây là ngành học được đánh giá có cơ hội việc làm rộng mở vì nhu cầu thị trường luôn cần.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, em Lê Thị Kim Mai (quê An Giang, sinh viên ngành Kỹ thuật cấp thoát nước, Trường Đại học Cần Thơ) chia sẻ, bản thân lựa chọn ngành học này xuất phát từ sự định hướng của gia đình cũng như sở thích cá nhân.
Kim Mai bày tỏ: "Thời còn học trung học phổ thông, em cũng đã tìm hiểu về ngành Kỹ thuật cấp thoát nước. Em theo học khối khoa học tự nhiên và thích các ngành về môi trường, nước nên đã quyết định theo đuổi ngành học này. Gia đình em ủng hộ những quyết định của em nên em có thêm nhiều động lực, kiên trì cho ước mơ của mình".
Kim Mai cho biết thêm, trong quá trình học, em nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ thầy cô, bạn bè, đặc biệt là các bạn nam trong lớp. "Ngành Kỹ thuật cấp thoát nước thường thu hút các bạn nam theo học hơn các bạn nữ, nhưng điều đó không có nghĩa là ngành học này chỉ dành cho nam giới. Bản thân em chọn được ngành học đúng sở thích, năng lực nên cảm thấy rất hứng thú và không có quá nhiều khó khăn", Kim Mai khẳng định.
Ngoài ra, Mai cho rằng các môn học của ngành này cũng giúp em có thể áp dụng nhiều vào thực tiễn cuộc sống. Nữ sinh dẫn chứng, chẳng hạn như các môn kỹ thuật hay sức bền vật liệu, hóa nước vi sinh... rất gần gũi với thực tế. Kim Mai bày tỏ mong muốn sau khi tốt nghiệp có thể theo đuổi vị trí công việc như kỹ sư giám sát, quản lý, vận hành về chuyên ngành cấp nước. Để có thể hiện thực hóa điều đó, Mai nhấn mạnh, quá trình học đại học sinh viên phải thật sự nghiêm túc, trau dồi kiến thức nền tảng, không ngừng rèn luyện các kỹ năng mềm và có sự va chạm thực tế.
Cùng chia sẻ với phóng viên, anh Lương Công Đồng (Phó phòng quản lý cấp nước, Công ty Nước sạch Ninh Thuận) cho rằng, để người học ngành Kỹ thuật cấp thoát nước sau khi bước chân vào thị trường lao động có thể làm được việc thì ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường các em phải chú trọng tiếp thu, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành. Bởi kiến thức nền tảng là một trong những tiêu chí quan trọng khi doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự.
"Trong quá trình phỏng vấn, các bạn sẽ phải vượt qua bài kiểm tra về kiến thức cơ bản, bên cạnh đó là các kỹ năng mềm. Nếu nắm vững các kiến thức chuyên ngành được đào tạo ở trường đại học, các bạn sẽ đáp ứng được khoảng 70% yêu cầu công việc. Trong quá trình làm việc sẽ được đào tạo thêm", anh Đồng nhấn mạnh.
Về mức lương của nhân sự ngành Kỹ thuật cấp thoát nước, theo anh Đồng, nếu làm việc trong các đơn vị nhà nước thì sẽ hưởng theo hệ số đã quy định. Ở các doanh nghiệp tư nhân, tùy thuộc vào vị trí việc làm cũng như đơn vị tuyển dụng sẽ có những mức thu nhập khác nhau.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Đức Thường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Trung và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Giang Nam - Trưởng Bộ môn Tài nguyên nước, Khoa Môi Trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ để có thêm thông tin về ngành Kỹ thuật cấp thoát nước đến các thí sinh trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề sắp tới.
Kỹ thuật cấp thoát nước là ngành không tồn tại hạn chế về giới tính
Tiến sĩ Lê Đức Thường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Trung nhấn mạnh, quan điểm cho rằng ngành Kỹ thuật cấp thoát nước là công việc nặng nhọc, vất vả và chỉ phù hợp với nam giới là chưa đúng..
Sinh viên Trường Đại học Xây dựng Miền Trung
Thầy Thường lý giải: "Sau khi tốt nghiệp ngành học này, người học không chỉ đảm nhận tổ chức thi công, giám sát thi công các công trình liên quan đến lĩnh vực cấp thoát nước mà còn nhiều vị trí khác, làm việc tại văn phòng như tư vấn thiết kế; lập và thẩm định dự án đầu tư; bóc tách khối lượng; tham gia công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Những công việc này cũng rất phù hợp với phái nữ".
Đồng ý kiến, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Giang Nam - Trưởng Bộ môn Tài nguyên nước, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ đánh giá, quan niệm Kỹ thuật cấp thoát nước là ngành học dành cho nam giới đã trở nên lạc hậu.
Thầy Nam khẳng định, trên thực tế, ngành Kỹ thuật Cấp thoát nước nói riêng và nhóm ngành kỹ thuật nói chung hầu như không tồn tại hạn chế về giới tính. Thậm chí, ở nhiều khía cạnh, nhân sự nữ còn bộc lộ ưu thế nổi trội hơn hẳn so với nam giới.
"Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật cấp thoát nước khá đa dạng, liên quan trực tiếp đến phát triển hạ tầng cơ sở cho đô thị và nông thôn… không chỉ bao gồm các vị trí lao động vật lý, mà còn có các vị trí như kỹ sư thiết kế, kỹ sư môi trường, nhà quản lý dự án, chuyên viên phân tích dữ liệu và nhiều vị trí khác. Các vị trí này đều đòi hỏi kỹ năng, kiến thức, sự sáng tạo và đặc biệt, không phụ thuộc vào giới tính. Do đó, ngành này mang lại rất nhiều cơ hội việc làm dành cho các nữ sinh sau khi tốt nghiệp. Cụ thể, bạn nữ có khả năng ứng tuyển vào vị trí kỹ sư phụ trách thiết kế, giám sát, thẩm định và nghiệm thu công trình, tại những đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn công trình cấp và thoát nước hoặc cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hạ tầng cơ sở.
Các công việc tư vấn thiết kế và đấu thầu, thiết kế kỹ thuật và thẩm tra thiết kế cũng được xem là lựa chọn ổn định, rất phù hợp với nữ giới. Ngoài ra các dự án có nguồn vốn nước ngoài về giảm ngập đô thị, cấp nước sạch vệ sinh môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu… rất đa dạng các vị trí việc làm cho nữ, sẽ liên quan trực tiếp đến lĩnh vực của ngành, do đó bạn nữ học ngành này nếu có nền tảng ngoại ngữ tốt thì hoàn toàn có cơ hội cao làm việc tại các dự án này", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Giang Nam cho biết.
Thầy Nam cũng giới thiệu một số vị trí công việc mà sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật cấp thoát nước có thể đảm nhận. Chẳng hạn: Quản lý, vận hành tại các nhà máy, khu công nghiệp xử lý nước cấp, xử lý nước thải và xử lý môi trường; nhà thầu, công ty tư nhân thiết kế, thẩm định, thi công lĩnh vực hạ tầng cơ sở, công trình cấp và thoát nước; làm việc tại ban quản lý dự án, công ty xây dựng, giao thông, thủy lợi, chống ngập đô thị, cấp thoát nước và môi trường; các công ty thẩm định giá, ngân hàng, quỹ đầu tư, dự án xây dựng vốn trong và ngoài nước liên quan lĩnh vực phát triển hạ tầng, vệ sinh nước sạch, mạng lưới cấp thoát nước đô thị và nông thôn...
Thầy Nam khẳng định, Kỹ thuật cấp thoát nước là ngành học đòi hỏi sự kiên trì và chịu khó của sinh viên, là ngành học có tính ứng dụng cao và cơ hội việc làm rộng mở. Sinh viên ra trường cần có tố chất cơ bản như đam mê kỹ thuật, kiến thức học hỏi tốt các vấn đề tự nhiên, thích tìm hiểu mày mò và sáng tạo, có sự am hiểu về xã hội nền văn minh quốc gia, vùng miền, có tinh thần làm việc nhóm…
Còn thầy Thường thì nhấn mạnh: Theo thống kê từ nguồn cựu sinh viên của Trường Đại học Xây dựng Miền Trung, thu nhập của kỹ sư cấp thoát nước khá cao, tuỳ theo kinh nghiệm thì mức thu nhập dao động từ 10-20 triệu đồng/ tháng. Cũng có những em đạt mức lương cao hơn nữa, đặc biệt nếu nhân sự sử dụng thành thạo ngoại ngữ và phần mềm chuyên dụng sẽ có mức lương rất hấp dẫn".
Theo học ngành Kỹ thuật cấp thoát nước tại Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Xây dựng Miền Trung, sau khi tốt nghiệp, người học sẽ được cấp bằng kỹ sư.
Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật cấp thoát nước ra sao?
Chia sẻ về điều kiện cơ sở vật chất, thầy Nam khẳng định, ngoài cơ sở vật chất chung phục vụ cho đào tạo ngành, các trang thiết bị, phòng thí nghiệm, phòng học, phòng thực hành… cũng được nhà trường quan tâm đầu tư tập trung cho lĩnh vực đào tạo ngành Kỹ thuật cấp thoát nước.
Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ thực hành đo chất lượng nước.
Thầy Nam thông tin: "Khuôn viên tòa nhà giảng dạy chính của ngành thuộc Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên được nhà trường phân giao và đầu tư với tổng diện tích sàn là 5027 m2 sử dụng cho phòng học, văn phòng các bộ môn, phòng thí nghiệm; và diện tích đất là 19238 m2 cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Ngoài ra còn có phòng học, weblab nhà lưới, khu tự học và dịch vụ hỗ trợ sinh viên.
Đặc biệt, Dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (triển khai từ năm 2015 đến năm 2022) đã đầu tư nâng cấp 14 phòng thí nghiệm, thực hành thuộc Khoa Môi Trường và Tài nguyên thiên nhiên quản lý.
Trong đó, có 10 phòng thí nghiệm phục vụ giảng dạy thực tập/thực hành khối học phần kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chung và 4 phòng thí nghiệm phục vụ giảng dạy trực tiếp thực tập/thực hành cho các học phần chuyên ngành, thực hiện luận văn, đồ án và nghiên cứu, gồm: phòng thí nghiệm mô hình nước ngầm, phòng thí nghiệm mô hình cấp thoát nước, nước mặt, phòng thí nghiệm thủy lực và tài nguyên nước, phòng thí nghiệm GIS - viễn thám - quy hoạch".
Các phòng thí nghiệm công nghệ thông tin phục vụ đào tạo ngành trang bị với nhiều thiết bị sẵn sàng phục vụ và được cài đặt sẵn các công cụ, các phần mềm chính phục vụ cho giảng dạy cho các học phần thực tập, thực hành liên quan đến mô phỏng, quản lý và quy hoạch mạng lưới cấp thoát nước đô thị hướng tới đô thị thông minh có tính liên kết với các ứng dụng công nghệ 4.0.
Về đội ngũ, thầy Nam cho biết, hiện tại, giảng dạy ngành có 51 giảng viên cơ hữu có trình độ sau đại học với 29 tiến sĩ (trong đó có 2 giáo sư, 16 phó giáo sư). Thế mạnh của đội ngũ giảng viên của ngành là 90% được đào tạo từ nhiều cơ sở giáo dục ngoài nước, trong đó đội ngũ có trình độ tiến sĩ được đào tạo ở Nhật Bản, Bỉ, Pháp, Hà Lan, … Ngoài ra, cán bộ giảng dạy đã và đang tham gia thực hiện nhiều chương trình hợp tác quốc tế liên quan đến lĩnh vực cấp thoát nước đô thị và chống ngập đô thị.
Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật cấp thoát nước tại Trường Đại học Cần Thơ được xây dựng phối hợp cả kiến thức lý thuyết và thực hành cũng như các kỹ năng mềm, trong đó sinh viên được chọn các nhóm chuyên môn thực hành (thiết kế, thi công, thẩm định, vận hành công trình….), sau đó sẽ được tạo cơ hội tham gia công việc thực hành chuyên ngành tại các cơ quan, công ty liên quan đến lĩnh vực công trình cấp thoát nước, hạ tầng cơ sở.
Tại Trường Đại học Xây dựng Miền Trung, thầy Thường thông tin: "Qua 48 năm hình thành và phát triển, đến nay cơ sở vật chất của nhà trường khá khang trang, hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành thực tập liên tục được đầu tư nâng cấp. Đặc biệt, nhà trường đã thoả thuận với nhiều tập đoàn, công ty và các cơ sở giáo dục có đào tạo ngành học liên quan cấp thoát nước để phối hợp trong công tác đào tạo ngành này. Vì vậy, cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực không chỉ sử dụng nguồn lực tại chỗ mà còn tương tác nhiều đơn vị trong cả nước, đây là điểm mạnh của Trường Đại học Xây dựng Miền Trung trong việc đào tạo nhân lực cho ngành Kỹ thuật cấp thoát nước".
Theo Tiến sĩ Lê Đức Thường, chương trình đào tạo ngành kỹ thuật cấp thoát nước được xây dựng theo định hướng ứng dụng. Do đó, khối lượng tín chỉ thực hành thực tập khá cao, người học không những được hướng dẫn và thực hiện các đồ án môn học mà định kỳ nhà trường cũng tổ chức cho sinh viên tham quan các công trình trọng điểm liên quan đến ngành nghề.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Giang Nam cho rằng, sự phát triển ngày càng sâu rộng của khoa học và công nghệ đã mở ra một kỷ nguyên mới về số hóa trong tất cả các lĩnh vực. Trường Đại học Cần Thơ tiếp tục từng bước phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao theo kịp xu thế phát triển quốc gia và thế giới.
Thầy Nam mong muốn việc phát triển nguồn nhân lực ngành Kỹ thuật cấp thoát nước nói chung và nhân lực chất lượng cao có được sự quan tâm đúng mức của xã hội. Ngoài ra, đào tạo nhân lực chất lượng cao cần chú ý, nghiên cứu để đáp ứng với yêu cầu của xã hội. Đồng thời có sự thúc đẩy kết nối cung - cầu lao động; tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nhân lực chất lượng cao...
Về phía Trường Đại học Xây dựng Miền Trung, Tiến sĩ Lê Đức Thường gửi gắm thông điệp: "Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng, quyết định mọi sự sống trên trái đất. Nhưng hiện nay thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến nguồn nước, chúng ta đang nỗ lực thực hiện mục tiêu quản lý an toàn nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030, để hoàn thành mục tiêu này cần rất nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực con người.
Với tốc độ số hoá như hiện nay, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì chương trình đào tạo cần cập nhật, thay đổi để đáp ứng nhu cầu cầu xã hội. Các doanh nghiệp ngành nước cần đồng hành, chia sẻ nguồn lực với các cơ sở đào tạo nhiều hơn".