Lễ Tổng Kết Dự Án “Tăng Cường Năng Lực Thu Gom Và Sử Dụng Nước Mưa Cho Các Vùng Khan Hiếm Nước Tại Việt Nam” (S.I.R)
1075 học sinh tiểu học, giáo viên được sử dụng nước mưa hợp vệ sinh Đó là một trong những con số ấn tượng và ý nghĩa được nêu lên trong buổi lễ tổng kết dự án “Tăng cường năng lực thu gom và sử dụng nước mưa cho các vùng khan hiếm nước tại Việt Nam” (S.I.R)
1075 học sinh tiểu học, giáo viên được sử dụng nước mưa hợp vệ sinh
Đó là một trong những con số ấn tượng và ý nghĩa được nêu lên trong buổi lễ tổng kết dự án “Tăng cường năng lực thu gom và sử dụng nước mưa cho các vùng khan hiếm nước tại Việt Nam” (S.I.R)
Ngày 25 tháng 1 năm 2016, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (IESE), Trường Đại học Xây dựng, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nước mưa (RRC), Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đã tổ chức trọng thể Lễ tổng kết và kêt thúc dự án S.I.R, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Hàn Quốc (KOICA) tài trợ với thời gian thực hiện 1 năm (2015).
Dự Lễ tổng kết dự án có ông Chang Jae Yun - Giám đốc Koica tại Việt Nam, GS Mooyoung Han - đại diện Trung tâm nghiên cứu nước mưa RRC, Đại học Seoul, Hàn Quốc, ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, bà Trần Thảo Hương - Trưởng phòng Quản lý thoát nước và xử lý nước thải cục Hạ tầng Kỹ thuật Bộ xây dựng, GS.TS. Phan Quang Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, PGS.TS. Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học & Kỹ thuật Môi trường, cùng nhiều đại biểu, giáo viên, sinh viên ngành Cấp thoát nước - Môi trường nước, Trường Đại học Xây dựng tham gia dự án này.
Vì những hoạt động của Dự án cũng như những đóng góp hết sức ý nghĩa của các cán bộ tham gia dự án và nhất là sự hợp tác vô cùng hiệu quả của Trung tâm nghiên cứu nước mưa - Đại học Seoul Hàn Quốc và Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường - Đại học xây dựng, nhân sự kiện này, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã quyết định trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp ngành Cấp thoát nước Việt Nam cho GS Moyoung Han - Đại diện Trung tâm nghiên cứu nước mưa - Đại học Seoul Hàn Quốc.
Tuy chỉ diễn ra trong 1 năm, nhưng dự án S.I.R đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Những kiến thức về thu gom và sử dụng nước mưa đã được lồng ghép vào các hoạt động đào tạo, nghiên cứu ở Trường Đại học Xây dựng, và cập nhật và biên soạn các tài liệu tham khảo giúp bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho cư dân, các sinh viên Cấp thoát nước. Đặc biệt là các chương trình tình nguyện lắp đặt hệ thống nước mưa và trao đổi khoa học giữa cán bộ, sinh viên Hàn Quốc và Việt Nam.
Đã có 3 khóa tập huấn về Thu gom, sử dụng nước mưa được tổ chức, mỗi khóa kéo dài 1 tuần và 4 ngày khảo sát, thực hành lắp đặt các bể nước mưa, quan trắc đánh giá chất lượng nước mưa tại hiện trường ở vùng nông thôn đã được tổ chức thành công. Đối tượng tham gia chủ yếu là các sinh viên Trường ĐHXD. 71 sinh viên đã được học lý thuyết, thực hành ngoài thực tế, được cấp chứng chỉ, và trở thành các tuyên truyền viên tích cực để phổ cập việc thu gom, sử dụng nước mưa ra ngoài cộng đồng.
5 tiểu dự án trong khuôn khổ S.I.R đã được thực hiện: Nghiên cứu về mô hình xả nước mưa đợt đầu, xử lý nước mưa; Chất lượng nước mưa và ảnh hưởng của vật liệu chế tạo bể nước mưa; Mối liên hệ giữa nhận thức cộng đồng, tập quán và kiến thức sử dụng nước, vận hành và bảo dưỡng công trình thu gom, sử dụng nước mưa; Lợi ích và chi phí, sự chấp nhận của cộng đồng trong thu gom và sử dụng nước mưa; Mô hình mái nhà xanh trong đô thị, do các cán bộ nghiên cứu trẻ và sinh viên ngành Cấp thoát nước tham gia thực hiện.
Dự án còn tổ chức quan trắc, đánh giá các hệ thống nước mưa đã được lắp đặt cho cư dân, trường học tại các vùng khan hiếm nước sạch (tại xã Cự khê, huyện Kim Bảng, Hà Nam và xã Sử Pán, Sapa, Lào Cai). Tổ chức tập huấn cho người dân quản lý hệ thống nước mưa. Khảo sát, đánh giá hiệu quả kỹ thuật, kinh tế, sự thay đổi nhận thức và sự chấp nhận của cộng đồng.
Đã có 2 hệ thống thu gom nước mưa lớn, mỗi hệ dung tích 16 m3, với hệ lọc nước mưa thành nước uống trực tiếp, được lắp đặt tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Đại Cường, Kim Bảng, Hà Nam. 1075 học sinh tiểu học, trung học, các giáo viên được hưởng lợi trực tiếp từ Dự án. Hàng chục lượt giáo viên, hộ gia đình được tập huấn từ mô hình. Nhiều hộ gia đình trong vùng cũng tham khảo mô hình để triển khai lắp đặt cho nhà mình. Các học sinh được sử dụng nước sạch để uống khi đi học, giảm đáng kể số tiền các em phải đóng để mua nước bình để uống.
Các cán bộ tham gia dự án cũng đã viết các bài báo khoa học gửi đăng trên các tạp chí chuyên môn trong nước và quốc tế. Tổ chức các chuyến đi dự, báo cáo kết quả nghiên cứu ở một số Hội nghị, Hội thảo quốc tế có liên quan (Hội thảo quốc tế về Kiểm soát ô nhiễm nước phân tán tại Berlin, Đức và Hội nghị quốc tế về nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Bắc Kinh, Trung Quốc).
Thông qua những hoạt động của dự án, đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng, sinh viên trường đại học về lợi ích cũng như các giải pháp thu gom và sử dụng nước mưa phù hợp cho vùng nông thôn và thành thị.
Dự án đã được triển khai thực hiện rất thành công, góp phần hữu hiệu trong nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế, cũng như nâng cao vị thế của mình và phát huy vai trò, trách nhiệm với cộng đồng cho cán bộ, sinh viên ngành Cấp thoát nước Trường Đại học Xây dựng.
GS.TS Mooyoung Han, Trường Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc cho biết: ‘’Nước mưa được sử dụng từ ngàn đời nay ở các nước Châu Á. Ở Hàn Quốc, rất nhiều hoạt động quảng bá, phổ biến các hình thức thu gom, sử dụng nước mưa được đưa tới cộng đồng, lồng ghép vào chương trình học ở phổ thông, nhiều ấn phẩm… Với nhiều nỗ lực, cho đến nay, đã có trên 60 thành phố ở Hàn Quốc triển khai thu gom và sử dụng nước mưa. Chính quyền thành phố đưa quy định xây dựng bể nước mưa thành bắt buộc khi xây dựng công trình và lồng ghép vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị. Nhiều thành phố đặt mục tiêu đưa nước mưa trở thành một trong những nguồn cung cấp nước chính thức cho thành phố, để giảm đỡ gánh nặng đối với nguồn nước mặt và giảm thiểu úng ngập.Chúng tôi mong muốn kinh nghiệm này cũng sẽ được nghiên cứu, tham khảo và ứng dụng ngày càng nhiều ở Việt Nam. Hoạt động hợp tác này, hy vọng sẽ là tiền đề cho những hợp tác nghiên cứu và ứng dụng đó’’.
PGS.TS Nguyễn Việt Anh, Chủ nhiệm Dự án phía Việt Nam chia sẻ: “Thu gom và sử dụng nước mưa có vai trò đáng kể trong việc giảm ngập úng tại các đô thị, nhờ làm chậm dòng chảy nước mưa, tránh lượng nước mưa lớn đổ dồn về cống thoát nước trong cùng một thời điểm. Ngoài ra nước mưa bổ sung thêm cho nguồn nước cấp của chúng ta vốn đang ngày càng khan hiếm và ô nhiễm. Nước mưa trong đô thị có thể được sử dụngtrực tiếp cho các mục đích như tưới cây, dội nhà vệ sinh, rửa xe, dự trữ nước chữa cháy, làm mát quảng trường và công trình xây dựng, bổ cập nước hồ, ao … Các bể nước mưa xây dựng bởi các chủ đầu tư sẽ giảm gánh nặng đáng kể cho chính quyền đô thị.Đổi lại, chính quyền cần cho các chủ đầu tư được hưởng những ưu đãi, ví dụ như cấp phép đầu tư, kinh doanh khai thác hạ tầng khu vực, vv… Trước hết, có thể tiến hành xây dựng các bể nước mưa tại các công trình công cộng có diện tích lớn, tiến tới đưa các yêu cầu về thu gom và sử dụng nước mưa vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị, trong xây dựng các công trình công cộng và dân dụng”.
Kế thừa kinh nghiệm từ ngàn năm của cha ông ra trong việc thu gom, lưu trữ và sử dụng nước mưa, tham khảo kinh nghiệm của các nước khác và nghiên cứu đồng thời đưa ra các giải pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhóm nghiên cứu mong muốn hợp tác với các chủ đầu tư phát triển các khu đô thị mới, chính quyền các thành phố để những giải pháp này có thể được áp dụng vào thực tiễn, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở các đô thị, phục vụ mục tiêu phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh hiện nay, khi tài nguyên nước ngầm, nước mặt đang ngày càng bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, việc tìm kiếm nguồn nước thay thế là rất cần thiết. Nghiên cứu, phát triển và nhân rộng các hệ thống thu gom, xử lý, sử dụng nước mưa phù hợp,cung cấp cho các khu vực dân cư đô thị và nông thôn, là một mô hình tốt. Việc thu gom nước mưa trong đô thị còn góp phần làm giảm thiểu úng ngập một cách hiệu quả và bền vững. Đây cũng chính là thông điệp mà Dự án S.I.R của nhóm nghiên cứu Viện KHKTMT, trường ĐHXD và các đối tác muốn nhắn nhủ.
(nguồn: tapchicapthoatnuoc.vn)