Trường Đại Học Xây Dựng Hà Nội
vi en

Chương trình hợp tác đào tạo bộ môn Cấp thoát nước - khoa Kỹ thuật Môi trường và Tập đoàn JFE

Đăng bởi: Vnwater -
Chủ nhật, 22/05/2022 16:14 (GMT +7)

CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC ĐÀO TẠO  BỘ MÔN CẤP THOÁT NƯỚC - KHOA KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG VÀ TẬP ĐOÀN JFE

JFE Engineering là một trong những công ty về kỹ thuật hàng đầu thế giới, bắt nguồn từ ngành sản xuất thép, đóng tàu và mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và năng lượng môi trường. Công ty bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1999 với hệ thống ngưng tụ và chiết xuất khí hóa lỏng (LPG) ở Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó là đường ống ngầm dưới biển ở Dung Quất (Quảng Ngãi), hệ thống cung cấp nhiên liệu ở sân bay Nội Bài và nhà máy sản xuất dầu nhờn Hải Phòng (năm 2013). Về lĩnh vực xử lý nước thải, công ty đang thực hiện dự án nhà máy xử lý nước thải Khu công nghệ cao Hòa Lạc với công suất 40.000 m3/ngđ, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Với những công nghệ hiện đại và bề dày kinh nghiệm, JFE Engineering mang sứ mệnh “kiến tạo và chăm sóc nền tảng cuộc sống”  đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Chương trình Hợp tác đào tạo giữa Bộ môn Cấp thoát nước và Tập đoàn JFE Engineering là một hoạt động thường niên bắt đầu từ năm 2013. Văn phòng JFE Engineering tại Hà Nội sẽ phỏng vấn và chọn ra một số sinh viên năm thứ 3 và năm thứ 4 đang theo học tại Bộ môn Cấp thoát nước khoa Kỹ thuật Môi trường (trường Đại học Xây dựng) để đào tạo ngắn ngày tại Nhật Bản. Tiêu chí xét tuyển dựa trên điểm trung bình GPA, các hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khoa học mà sinh viên đã tham gia, và yêu cầu không thể thiếu là khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng anh.  

Năm 2017, 03 sinh viên của bộ môn Cấp Thoát Nước đã được tuyển chọn tham gia khóa thực tập, là sinh viên Vũ Thị Hiền lớp 58MNE, sinh viên Nguyễn Thị Ngọc lớp 58MNE và sinh viên Nguyễn Bá Dũng lớp 59MNE. Các bạn sinh viên đều rất vinh dự khi được chọn tham gia khóa thực tập này, đó không chỉ là sự ghi nhận những cố gắng phấn đấu của bản thân mà còn là niềm tự hào của gia đình, thầy cô và các bạn. Tuy nhiên, để hoàn thành tốt khóa thực tập, sinh viên cần trau dồi học hỏi thêm rất nhiều những kiến thức về chuyên môn cũng như về xã hội dưới sự giúp đỡ của các thày cô trong Bộ môn cũng như phía văn phòng đại diện JFE tại Hà Nội. Đặc biệt là chuyến tham quan nhà máy nước thải Khu CNC Hòa Lạc (đang thi công), giúp cho sinh viên có cái nhìn thực tế hơn về quá trình thi công một dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải, và là những buổi phụ đạo kiến thức chuyên ngành đầy tận tâm từ thầy cô trong Bộ môn Cấp thoát nước.

Sinh viên chụp hình cùng ban lãnh đạo công ty

Khóa thực tập bắt đầu từ 26/6/2017 đến 28/7/2017, kéo dài trong gần 5 tuần. Mọi chi phí đi lại, ăn ở đều do công ty chi trả, sinh viên được đón tiếp nhiệt tình và chu đáo từ bộ phận hỗ trợ kinh doanh BSY. Giống với mọi năm, chương trình thực tập năm 2017 gồm 3 phần chính: tham quan công nghê môi trường ‘site tour’, tham quan nhà máy ở lĩnh vực khác ‘site visit’ và các chuyến tham quan du lịch ‘friendship’.

1. Tham quan công nghệ liên quan đến môi trường ‘site tour’

Sinh viên có các chuyến site tour đến nhà máy xử lý nước cấp tại Goka, nhà máy xử lý nước thải tại Kawasaki và Nagaoka, nhà máy xử lý bùn thải và chất thải rắn với công nghệ đốt và lên men, nhà máy tái chế rác tại Yokohama. Với mỗi chuyến site tour, sinh viên đều được tham quan toàn bộ từng công trình trong dây truyền công nghệ của các nhà máy với sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ nhân viên tại nhà máy và các anh chị trong bộ phân Aqua solution phiên dịch tiếng anh, giải đáp các thắc mắc và trao đổi thông tin giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhóm sinh viên thực sự ấn tượng với sự hướng dẫn đầy tâm huyết, tận tình của các bác, các anh chị, luôn cố gắng truyền đạt cho sinh viên hết những thông tin về công nghệ, cũng như cách vận hành, quản lý của các nhà máy. Qua đó sinh viên được học hỏi về các công nghệ tiên tiến và cách thức quản lý vận hành, một cơ hội quý báu để sinh viên trau dồi kiến thức từ thực tế.

2. Nhà máy xử lý nước cấp tại thị trấn Goka

Nhà máy nước Goka với công suất chỉ 6000 m3/ngđ, xây dựng cách đây hơn 20 năm nhưng đã được áp dụng công nghệ tiên tiến. Sinh viên được đi thăm quan từng công trình và được giải thích chi tiết dây chuyền công nghệ của nhà máy, được làm thí nghiệm dưới sự hướng dẫn nhiệt tình từ giám đốc nhà máy.

Điểm ấn tượng nhất về công nghệ đó là bể lọc cát cải tiến Hardinge, bể lọc được chia thành nhiều ngăn nhỏ, khi một ngăn dừng hoạt động để rửa lọc, các ngăn khác vẫn hoạt động bình thường. Sự cải tiến này góp phần không chỉ giảm diện tích bể lọc mà còn nâng cao hiệu suất làm việc của bể.

Bể lọc nhanh trọng lực Hardinge

3. Nhà máy xử lý nước thải tại Iriezaki, thành phố Kawasaki

Nhà máy xử lý nước thải ở Kawasaki áp dụng công nghệ A2O, xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp, có một số điểm khác biệt trong công nghệ mà JFE đã cải tiến:

  • Xây dựng bể đặc biệt trước bể hiếu khí, cấu tạo gồm cả khoảng thiếu khí và hiếu khí, góp phần tăng hiệu quả xử lý Nitơ và giảm điện tích bể hiếu khí;
  • Bổ sung các giá thể vào bể hiếu khí, làm tăng hiệu quả xử lý chất hữu cơ;
  • Bể lắng nhiều tầng làm tăng hiệu quả lắng và tiết kiệm diện tích.

Dây chuyền công nghệ nhà máy xử lý nước thải Iriezaki, thành phố Kawasaki

 

Cải tiến trong dây chuyền công nghệ với bể đặc biệt “microaerophilic vessel”

BOD đầu ra của nhà máy rất thấp, khoảng 10 mg/l. Nước thải từ nhà máy sau xử lý được tái sử dụng cho các nhà máy công nghiệp như sản xuất giấy… Đặc biệt ở các nhà máy xử lý nước thải không có mùi khó chịu, môi trường làm việc sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh và sức khỏe cho công nhân.

Nhà máy xử lý nước thải Iriezaki, Kawasaki

4. Nhà máy xử lý bùn

Trong lĩnh vực xử lý bùn, JFE áp dụng hai công nghệ chính là đốt và lên men. Với công nghệ đốt, bùn từ các nhà máy xử lý nước thải được tập trung lại, tách nước làm khô bằng máy ép và đem đi đốt, nước thải từ quá trình tách nước được bơm trở lại nhà máy xử lý nước thải để xử lý. Nhiệt tạo thành từ các lò đốt dùng để cấp cho các bể bơi hoặc để sản xuất điện, lượng tro sinh ra được tận dụng làm vật liệu xây dựng. Với công nghệ lên men, bùn từ nhà máy xử lý nước thải được lên men kỵ khí. Lượng khí CH4 tạo ra được chuyển hóa thành điện năng và cặn sau xử lý cũng được tận dụng làm vật liệu xây dựng.

Dây chuyền công nghệ đốt bùn thải ở nhà máy Iriezaki, thành phố Kawasaki

Vấn đề xử lý bùn ở Việt Nam còn mới, chủ yếu làm khô sau đó đem đi chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước ngầm. Trong tương lai Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng công nghệ của Nhật Bản trong xử lý bùn để tận dụng năng lượng và bảo vệ môi trường.

5. Xử lý chất thải rắn

Đối với lĩnh vực chất thải rắn, Nhật Bản xem rác thải chính là nguồn tài nguyên và tiến hành rất nhiều các dự án xử lý thải, biến chất thải thành nguồn năng lượng “Waste to Energy”. Rác thải được phân loại ngay tại nguồn, sau đó được thu gom vận chuyển đến trạm xử lý, tái chế. Những loại rác không tái chế được chủ yếu được mang đi đốt, nguồn nhiệt sinh ra được sử dụng làm năng lượng điện, tro được tận dụng làm vật liệu xây dựng, giảm diện tích đất chôn lấp. Thức ăn thừa được đem ủ kị khí, thu khí sinh học biogas và chuyển hóa thành điện năng.

Dây chuyền công nghệ nhà máy xử lý chất thải hữu cơ tại Nagaoka

 

Nhà máy xử lý rác hữu cơ tại Nagaoka

Ngoài ra nhóm sinh viên còn được đi thăm quan nhà máy tái chế rác thải công nghiệp như tivi, tủ lạnh, điều hòa… từng loại vật liệu được tách ra, và phân loại làm vật liệu tái chế như gạch ốp tường…

Tất cả các nhà máy đều được trang bị thiết bị hiện đại với độ bền cao, các trang thiết bị an toàn phòng tránh thiên tai, vận hành bằng hệ thống điều khiển tự động, giải quyết vấn đề sự cố rất nhanh. Đặc biệt môi trường làm việc tại các nhà máy rất gọn gàng, sạch sẽ do nhân viên làm vệ sinh định kỳ.

Các chuyến đi site tour đã thay đổi nhận thức của sinh viên về vấn đề bảo vệ môi trường. Nhật Bản rất quan tâm đến môi trường, coi chất thải là nguồn tài nguyên và luôn cố gắng tận dụng tối đa để tạo thành năng lượng có ích. Lĩnh vực bảo vệ môi trường của Nhật bản không những không ảnh hưởng tiêu cực mà còn còn góp phần phát triển nền kinh tế, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đó cũng là hướng đi mà Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác cần học hỏi và hướng tới.

6. Tham quan các nhà máy ở lĩnh vực khác ‘site visit’

Bên cạnh những chuyến ‘site tour’ ấn tượng về các công nghệ liên quan đến chuyên ngành, ‘site visit’ là những chuyến đi thăm quan các nhà máy thuộc các lĩnh vực hoạt động khác của JFE cực kì bổ ích và giúp sinh viên tăng thêm hiểu biết. Sinh viên được tham quan toàn bộ quá trình sản xuất thép của nhà máy sản xuất thép Keihin, khu chế xuất thép và đóng tàu ở Tsu city với quy mô công suất rất lớn. Nhóm sinh viên được mở rộng tầm mắt bởi quy mô rộng lớn, công nghệ hiện đại và máy móc rất phức tạp.                     Ngoài ra nhóm sinh viên còn được đi thăm các quan nhà máy như nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Tsu city công suất 3 400 000 KWh/năm, lò đốt nhiên liệu sinh học (Biomass) sử dụng nguyên liệu sinh học để đốt tạo thành năng lượng điện. Đó là những nguồn năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng xanh thân thiện với môi trường góp phần giảm thiểu lượng khí CO2 phát sinh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam có nhiều nguồn tài nguyên năng lượng khác nhau từ than đến dầu khí, than đá và thủy điện, tuy nhiên những nguồn tài nguyên thiên nhiên này không phải là vô tận và việc khai thác đều ảnh xấu tới môi trường tự nhiên. Vì vậy trong trong tương lai, Việt Nam nên định hướng khuyến khích nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối) góp phần đa dạng hóa các nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường.

Tham quan khu đóng tàu tại Tsu city

7. Friendship

Vào cuối tuần sinh viên được tham gia các hoạt động Friendship do công ty tổ chức tham quan tìm hiểu, học hỏi văn hóa, con người Nhật Bản như đến Kamakura, Nagoya…có những bữa tiệc tại các nhà hàng của Ý, Indonesia, Ấn Độ. Bên cạnh đó, ngày nghỉ cuối tuần là thời gian thích hợp cho những chuyến du lịch quanh Tokyo để tự mình khám phá văn hóa, con người và cảnh quan. Đặc biệt năm nay có sự tham gia thực tập cùng thời điểm với các bạn đến từ Malaysia, sinh viên có cơ hội được tìm hiểu giao lưu văn hóa và có thêm những người bạn mới.

Tham quan lâu đài tại Nagoya

Nhật Bản rất nổi tiếng với đền thờ, chùa và các con phố cổ. Nghệ thuật kiến trúc tại các đền, chùa rất độc đáo với màu sắc giản dị, mộc mạc, cổ điển và dường như nó thể hiện được nét đẹp của con người Nhật Bản - một vẻ đẹp nhã nhặn, lịch sự và kín đáo. Đến với Nhật Bản, ấn tượng đầu tiên của các bạn sinh viên chính là môi trường trong lành và sạch đẹp đến kỳ diệu. Điều kì diệu ấy bắt nguồn từ ý thức của mỗi người dân.

Bên cạnh đó sinh viên còn được thưởng thức văn hóa ẩm thực Nhật. Các món ăn của Nhật cực kì hấp dẫn. Sinh viên được thưởng thức các món ăn truyền thống của Nhật Bản như tempura, sushi, cá tươi…Đó là trải nghiệm rất thú vị và vô cùng đáng nhớ.

Sinh viên và các anh chị hướng dẫn trong buổi tiệc chia tay

8. Hoạt động khác

Ngoài ra, sinh viên còn được tham gia khóa học quản lý dự án ‘Project management’ và khóa học tiếng Nhật. Đây là lần đầu tiên sinh viên được tìm hiểu thêm về quản lý dự án, giúp sinh viên hiểu biết thêm về quá trình thực hiện một dự án xây dựng, các thành phần tham gia và vai trò trong quá trình thực hiện dự án. Khóa học tiếng Nhật tuy ngắn nhưng giúp sinh viên có thể tự tin giới thiêu bản thân bằng tiếng Nhật, biết các câu giao tiếp cơ bản và được cung cấp các tài liệu để tự học.

Khóa học quản lý dự án với thầy Nomura Tadashi

Sinh viên hoàn thành khóa thực tập với bài thuyết trình về “Wastewater treatment in Vietnam: Situation & Orientation” (Xử lý nước thải ở Việt Nam: Hiện trạng và Định hướng) với sự hướng dẫn và góp ý của các bác và anh chị trong bộ phận Aqua solution, bên cạnh đó để hoàn thành bài thuyết trình, sinh viên đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, gợi ý, nhận xét chỉnh sửa tận tình từ thầy cô trong Bộ môn.

Nhóm sinh viên chuẩn bị cho buổi thuyết trình cuối

Sau khóa thực tập ngắn hạn, sinh viên được mở mở rộng tầm mắt, tăng sự hiểu biết, thay đổi tư duy và có định hướng rõ ràng hơn về nghề nghiệp sau này. Sinh viên cũng được trau dồi thêm về các kĩ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình, phản biện, tăng vốn tiếng anh và trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các bài học bảo vệ môi trường từ Nhật Bản về công nghệ cũng như chính sách quản lý rất đáng học tập và có thể áp dụng cho Việt Nam. Khóa thực tập thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời đối với các bạn sinh viên.

Sinh viên nhận chứng chỉ sau khóa thực tập

Nhóm sinh viên xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc tới tập đoàn JFE Engineering tại Nhật Bản, văn phòng đại diện JFE tại Hà Nội đã tạo cơ hội và các điều kiện thực tập tốt nhất cho sinh viên, đặc biệt gửi lời cảm ơn chân thành tới các thầy cô giáo, các anh chị trong Bộ môn Cấp thoát nước đã hỗ trợ chúng em rất nhiều từ việc công bố các thông tin liên quan, lựa chọn và phỏng vấn kĩ càng đến việc cung cấp những kinh nghiệm quý báu từ thầy cô đã học tập và làm việc ở Nhật Bản cũng như kinh nghiệm từ các anh chị tham gia các khóa thực tập trước!

           Được tham gia khóa thực tập này khi còn là sinh viên thực sự là một cơ hội tuyệt vời, đặc biệt là ở một tập đoàn lớn mạnh như JFE của Nhật Bản. Quãng thời gian thực tập tuy ngắn nhưng đã thay đổi nhận thức của sinh viên rất lớn, các bạn biết sống có trách nhiệm với bản thân hơn và thêm trân trọng chuyên ngành mà mình đang theo học.

          Mong rằng trong những năm tới tập đoàn JFE cũng như bộ môn Cấp Thoát Nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho sinh viên được đi thực tập, có cơ hội được trải nghiệm thực tế, học hỏi nhiều điều bổ ích, trang bị thêm hành trang cho công việc trong tương lai. Ngay từ bây giờ, các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên mới vào trường, nên tích cực tích trau dồi, tích lũy kiến thức chuyên ngành, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa và đặc biệt nâng cao trình độ tiếng anh để tự tin giành cơ hội thực tập trong những năm tiếp theo./.

Vũ Thị Hiền, Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Bá Dũng

Bộ môn Cấp thoát nước – Khoa Kỹ thuật Môi trường

Trường Đại học Xây dựng